Dù đi bơi anh cũng không quên túi vé...
Như bao đêm khác, đêm nay tôi cũng ngồi trong căn phòng nhỏ để kì cạch gõ nốt đống kịch bản và format chương trình đang nợ đầm đìa. Ngoài trời đang là những cơn mưa đầu mùa thu, nhưng chẳng được tí tách rơi lãng mạn như những gì nhạc sỹ Đặng Thế Phong miêu tả ngày xưa mà lại cứ ào ào như thác đổ. Có lẽ năm nay 2012, nên mưa Ngâu cũng đã thành mưa Ngầu.
Ngồi xì xoạp uống cốc trà nóng, lướt qua những thông tin đủ loại trên Facebook, chợt dừng lại nơi những dòng chia sẻ trên tường của ông anh Chí Trung, đọc mà thấy nao lòng, tự nhiên thấy chẳng còn hứng thú đâu mà ngồi viết ra những trang kịch bản hài nhe nhởn, bởi đem đến được cho thiên hạ vài nụ cười thì những người anh em nghệ sỹ sao mà khổ quá. Biết bao nhiêu nếp nhăn, biết bao nhiêu giọt nước mắt đã chảy vào trong cho những nụ cười.
Tôi chưa bao giờ là một nghệ sỹ, và chắc cũng sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành nghệ sỹ thực thụ. Chỉ là kẻ mon men đến gần ánh đèn như một đứa trẻ tò mò trước những gì lấp lánh, nhưng may mắn làm sao, tôi được gặp những người anh, người chị, người em nghệ sỹ và rồi chúng tôi thân thiết với nhau như gia đình lúc nào chẳng hay.
Tôi quen biết anh Chí Trung tính ra cũng đã lâu qua chương trình Táo quân, nhưng thân thì mãi gần đây mới thân bởi trong Táo quân thì việc của tôi và anh không diễn ra cùng lúc, tôi viết xong kịch bản thì mới đến phần anh tập luyện và diễn, có chăng thì chào nhau đôi ba câu hoặc thi thoảng được giúp anh hát vài câu nhạc chế để thu âm cho Táo quân. Đến một hôm cách đây khoảng gần 2 năm gì đấy, bất ngờ nhận được điện thoại của anh rủ tôi đến Rạp Thanh niên xem Đoàn kịch 2 của anh diễn. Tôi nhận lời, và từ đó thành thân quen.
Sau buổi đầu xem kịch của đoàn anh diễn, tôi và bạn gái về nhà viết ra một bản góp ý dài dằng dặc. Đại khái là góp ý đủ thứ từ bức ảnh ngoài cửa cho đến chi tiết trong từng vở diễn, thật ngạc nhiên là anh cũng nghe và cho chỉnh lại vài điểm làm tôi thấy cũng bất ngờ. Ngồi trò chuyện một vài buổi, anh giao ngay cho tôi chức Giám đốc truyền thông của Đoàn kịch 2, được lĩnh tiền chế độ 240.000 đồng một đêm diễn như anh chị em nghệ sỹ trong đoàn khác làm tôi sợ há hốc cả mồm. Thi thoảng còn thêm tiền ăn trưa 30.000, bữa nào đông khán giả thì thêm vài chục nghìn nữa. Tôi đang làm cho FPT, nên nói với anh là làm thế này sẽ vi phạm luật Lao động, nhưng anh phẩy tay, có hợp đồng gì đâu mà vi phạm, chức này cũng là anh sáng tác cho riêng tôi thôi mà. Nhưng tiền thì nhận thật nên tôi cũng đành nghĩ cách giúp anh.
Tôi tìm hiểu các phương thức marketing, truyền thông và bán vé của Đoàn kịch, té ra vẫn dùng theo kiểu cũ là bắc cái loa nén lên ngọn cây và bật đi bật lại đoạn rao vé lấp lảnh một góc hồ Thiền Quang. Bản thân anh Trung và anh em cũng cầm tờ rơi đi khắp các quán cà phê mà rải, điện thoại online thường xuyên để trả lời khách muốn mua vé, hướng dẫn tận tình cách mua, đọc lịch diễn từng buổi làu làu cho khách chọn như ông chủ quán cơm. Đôi khi đọc sầu bọt mép xong mới biết khách nhầm số, hoặc đơn giản là muốn nghe giọng Táo Giao thông.
Ấy vậy mà cũng có buổi khán giả đến chật kín cả …hai hàng ghế đầu. Anh chị em nghệ sỹ trước giờ diễn cứ lấp ló sau cái rèm để ngó xuống hàng ghế khán giả như chờ đợi những người thân thiết của mình mà mãi vẫn chưa thấy đâu. Thế rồi vẫn diễn, vẫn tươi rói, vẫn cười vẫn khóc vật vã trên sân khấu để khều từng tiếng cười mỏng manh vọng lên từ khán đài tối om. Tôi chẳng biết mình đã ngồi dưới khán đài bao nhiêu buổi, có buổi cao hứng lên làm MC, giao lưu vài câu nhạt hoét, tự giác về chỗ ngồi xem. Tỉ mỉ quan sát từng nhóm đối tượng khán giả khác nhau, ghi lại những chi tiết nào khiến họ cười. Lúc họ cười từng khu, lúc cả rạp cùng cười. Những dữ liệu đó vô cùng quan trọng cho một người viết kịch nghiệp dư như tôi, nó giúp tôi nắm bắt được thị hiếu cười của từng nhóm đối tượng khán giả. Nhờ vậy những buổi tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần ở Rạp Thanh niên đã thành lớp dạy viết kịch bản nâng cao cho tôi lúc nào không hay.
Xem vở nào cũng thấy đáng yêu quá, vậy mà sao rạp vẫn vắng, nếu giá vé đắt thì đã đi một nhẽ, đằng này chắc chỉ bằng nửa giá vé đi xem một bộ phim loại thường ngoài rạp? Đôi khi tôi cũng hỏi cái câu ngu ngốc đó với các anh chị nghệ sỹ, câu trả lời thường là bao giờ cho đến ngày xưa, khán giả xếp hàng, có vở diễn đến 50 đêm vẫn cứ đông nghẹt… Phải chăng khán giả xem hết cả rồi, cũng chẳng phải, Hà Nội vừa mở rộng, dân cũng đông lắm. Hay là họ không biết, chứ cuộc sống mưu sinh vất vả vậy, ai chẳng cần nụ cười? Hay có chuyện gì xảy ra với sân khấu kịch nơi đây?
Tôi mua tên miền doicuoi.net rồi bắt bọn đàn em làm cái website còm để đưa lịch diễn và diễn viên lên, hi vọng phần nào tiếp thị được thêm cho đoàn. Nhưng rồi cũng chẳng ăn thua. Anh Trung và anh chị em vẫn cứ bươn bả đi mà bán vé dạo, may mà thành phố mới chỉ cấm bán vé số chứ chưa cấm bán vé xem Đời cười. Tôi vẫn phải nhận 240.000 một đêm diễn mà ngượng chín người, đôi khi trốn không nhận thì đoàn lại dồn thành một cục rồi anh Trung mang đến cho tôi. Lại phải nhận, miệng cười méo xẹo…
Tôi đến nhà anh Trung chơi, diện tích rộng hơn cái phòng làm việc của tôi một chút nhưng được xây nhiều tầng. Anh buôn đồ cổ nên nhà chỗ nào cũng như cái chạn bát với đủ thứ bát đĩa bình lọ. Có những cái bình cổ giá bằng cả một cái ô tô mà anh vẫn chưa chịu bán. Tôi hỏi anh sao không bán quách nó đi mà chơi, việc quái gì lọ mọ đi khắp các cơ quan xí nghiệp, đi khắp các quán cà phê mà nói cười bán vé. Nhưng anh bảo đó là cái nghiệp rồi, giờ lại không những chỉ mình mình, anh lại phải lo cho cái nghiệp của cả đoàn, một tập thể đầy đủ già trẻ lớn bé, yêu quý nhau như gia đình, bỏ sao được. Chứ nếu chỉ lo thân anh thì ngoài buôn đồ cổ, thi thoảng đi đóng quảng cáo mỳ tôm hay đi thu thanh quảng cáo thuốc bổ thận cũng đủ ăn. Ngẫm cũng đúng, là mình chắc cũng phải làm thế thôi.
Việc tôi nổi tiếng hơn sau "Cặp đôi hoàn hảo” cũng ít nhiều giúp ích được cho anh và cho Đoàn, mặt tôi được anh đưa lên các loại banner quảng cáo treo trên ngọn cây cho đến tờ rơi màu sắc rực rỡ mà khán giả hay dùng kê mông ngồi dưới khán đài, cái nào cũng cười hết cỡ, khi thì là biên kịch, khi thì là dẫn chương trình, khi thì làm ca sỹ hát câu giờ cho diễn viên thay quần áo. Dân mình vốn tò mò nên cũng móc tiền mua vé để vào xem cho thỏa dù chẳng biết có quay lại lần hai hay không, nhờ đó vé cũng bán thêm được vài cặp. Diễn ở Hà Nội đã đành, anh còn lôi tôi đi tỉnh, có khi đi cả tuần, lang thang hết rạp hát này đến rạp hát kia. Tôi bận việc công ty, nhưng cuối tuần nào rỗi cũng tranh thủ chạy đi với anh dù thú thực là tôi thấy mình không có nhiều đóng góp lắm.
Mỗi buổi diễn, tôi ngồi trong cánh gà nhìn các anh chị diễn mà lòng tràn niềm sung sướng, có vở xem đến lần thứ mười mấy mà đến đoạn hay vẫn cứ phải bật cười. Những tràng cười của khán giả phía dưới cứ rộ lên từng đợt, như những cơn sóng mang phù sa trùm lên cái cánh đồng chữ nghĩa khô héo cảm hứng của tôi. Dân chuyên nghiệp là thế, diễn trăm buổi như một, chỉ có hay hơn chứ không kém đi. Chẳng như tôi, hôm nào khán giả vỗ tay nhiều thì hát hăng say, chém gió nhiệt tình. Hôm nào khán giả ngồi im là tôi làm như làm khoán, làm như dỗi hờn. Anh Trung nhận ra điều này nên nhiều khi buông lời đá đểu tôi, rồi sau cũng lại nghĩ cách bày trò để phần xuất hiện của tôi hấp dẫn hơn tí chút.
Là một nghệ sỹ kiêm "con buôn” lâu năm, con mắt quan sát của anh luôn khiến tôi nể phục. Mới hôm nọ cả đoàn đi diễn ở Hải Dương, cả cái sân khấu ngoài trời đủ chỗ cho 2000 khán giả thì chỉ có vỏn vẹn 300 khán giả, trong đó có đến 150 vé mời đến từ các cơ quan đoàn thể quen biết hoặc chỗ quan hệ đi lại… Nhẩm mồm chưa tính thù lao, anh Trung đã biết lỗ toi 3 triệu. Anh em cả đoàn mặt xị như bánh bao chiều. Theo kịch bản, tôi ra dẫn trước. Đến phút cuối trước khi bắt đầu, anh Trung giành micro ra dẫn trước. Anh chạy xuống khán giả, làm không khi huyên náo hẳn lên. Anh dẫn lưu loát và cuốn hút như mấy ông bán thuốc dạo ở bến xe vậy. Tôi nghĩ chắc ông anh lo tôi chưa đủ cảm hứng, nên chạy ra lên dây cót khán giả trước để tạo cảm hứng cho tôi. Khi anh vào, tôi bảo anh không cần làm vậy đâu, tôi sẽ cố gắng, nhưng anh cười đầy hàm ý: "Tao làm vậy là sốc lại tinh thần cho cả đoàn, chứ mày thì tao sốc làm gì”. Tôi giật mình thấy đúng thật, trước đó vài phút, anh chị em còn ngồi buồn ngơ ngác, ngó nghiêng đếm từng khán giả vào sân, giờ đã diễn tưng bừng tràn trề cảm hứng. Công nhận anh tinh thật.
Nhiều khi tôi nghĩ anh Trung là một trong những nghệ sỹ giỏi Toán nhất mà tôi biết, anh làm tính cộng làu làu không thèm giấy nháp, ngồi một nơi chỉ đạo công tác chuẩn bị đêm diễn ở một nơi khác, anh có thể tính chính xác tiền in banner là bao nhiêu, tiền phòng cho diễn viên là bao nhiêu, tiền ăn là bao nhiêu, ít khi lệch. Nhiều khi thương anh, tôi nói nửa đùa nửa thật rằng anh nên bàn giao dần cho đàn em nó làm, giờ anh làm sếp to rồi mà cứ đi lo ba cái chuyện lặt vặt. Nhưng anh bảo không anh lo thì ai lo, anh chị em tập trung cho nghề đã đủ mệt, giờ mỗi người một việc cùng cả Đoàn tự thân vận động kiếm sống, cũng chăm chỉ cả chứ nào có lười biếng, vậy mà… Đúng là cơm áo không đùa với khách thơ.
Lúc này thì anh đang ở Quảng Ninh và khấn trời đừng mưa thêm nữa. Cả một ngày đi hết cơ quan này đến cơ quan nọ, cười nói như hoa cho người ta bắt tay chụp ảnh, rồi lại cười cười rút tập vé ra bán, có khi cười đến trẹo mồm mà bán được vài vé, người ta mua vì yêu kịch hay vì nể quá đành mua thì cũng chẳng biết, chỉ biết có thêm mấy trăm nghìn. Xưa cũng có lần hỏi anh rằng sao không để anh em trẻ đi bán, anh bảo bọn trẻ chưa tên tuổi bán vé thì ai mua, anh đi bán là bán bằng cái mặt Chí Trung này này. Nghĩ mà chua chát thật.
Ngày anh gẫy 5 cái xương sườn nằm viện, tôi nói đùa rằng thế là may, có dịp được nằm nghỉ ngơi, nhưng mà nào anh có nghỉ ngơi cho, cứ nhấp nha nhấp nhỏm hỏi xem vé của từng đêm thế nào, anh em diễn ra sao, rồi cũng không quên nhờ người vào khoan cả tường bệnh viện ra để lắp chảo K+ xem ManU đá. Rồi anh xin xuất viện sớm, chắc sốt ruột quá. Chỉ tội cho bác bệnh nhân nằm cùng phòng buồn ngơ ngác vì hết cơ hội được bắt tay bao nhiêu nghệ sỹ đến thăm anh.
Thời buổi ngày nay nhận biết thế nào là một nghệ sỹ chân chính thật khó. Đôi khi những gì hào nhoáng lại dễ làm người ta lầm tưởng lung tung. Nếu lấy tài năng, học vấn, tiền bạc, danh hiệu… ra mà so thì biết so sánh đến bao giờ cho đủ. Nhân lúc mình đang đọc quyển "Bạn văn” của bác Nguyễn Quang Lập, rồi lại nghĩ đến ông anh "nghệ sỹ con buôn” thì chợt thấy một điểm chung sáng lên giữa những người nghệ sỹ chân chính này, đó chính là một chữ Tình.